Xây dựng phương án tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
16/09/2022
TS. Khương Thị Nhàn
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Tóm tắt: Thời gian qua, chủ trương về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Để từng bước hiện thực hóa, chủ trương này, hệ thống giải pháp đã được đề xuất tập trung vào đẩy mạnh phân cấp về tài chính, bộ máy, bởi có phân cấp được mới tính đến tự chủ và thu hút đầu tư của xã hội, có lộ trình về tự chủ chi thường xuyên, tiến tới tự chủ hoàn toàn và xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở phân tích thực trạng cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ở Việt Nam, bài viết đưa ra phân tích khó khăn cơ bản trong quá trình thực hiện, qua đó làm rõ hơn các nội dung chính của cơ chế tự chủ cần tập trung triển khai từ đó, xây dựng phương án tự chủ và đánh giá kết quả phương án tự chủ làm căn cứ để tổ chức thực hiện. Bài viêt cung cấp một số hướng dẫn khá cụ thể cho từng nhóm trong lộ trình để các cơ sở giáo dục nghề công lập có thể nắm bắt và áp dụng dựa trên thực tế của từng đơn vị.
Từ khóa: phương án, tự chủ, cơ sở giáo dục công lập, lộ trình, giao quyền
Đến 30/6/2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 412 trường cao đẳng, 435 trường trung cấp, 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 1.215 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập với 313 trường cao đẳng công lập, 204 trường trung cấp công lập, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập. Ngoài 03 trường thí điểm tự chủ theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ (tự chủ hoàn toàn bộ về kinh phí hoạt động) thì hiện nay có khoảng 7% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ về chi thường xuyên và 93% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ một phần chi thường xuyên và được nhà nước đảm bảo toàn bộ.
2. Khó khăn, vướng mắc
a) Về nhận thức
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng tự chủ không còn được hỗ trợ ngân sách nhà nước. Cơ quan quản lý lại cho rằng giao tự chủ sẽ mất vai trò, chức năng quản lý.
b) Về chính sách
Đơn vị chưa được giao quyền tự chủ đồng bộ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính, các trường đều thuộc hoặc trực thuộc một cơ quan chủ quản là cơ quan quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể các trường, các đơn vị thuộc trường, quyết định biên chế, xếp bậc lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức toàn trường, bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng; bị khống chế chỉ tiêu đào tạo; mức học phí thu theo khung quy định, chưa tương xứng với chi phí đào tạo; ngân sách nhà nước vẫn thực hiện cấp phát theo cách bình quân, chưa gắn kết việc giao kinh phí cho đơn vị với số lượng, chất lượng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo kết quả đầu ra; thiếu cơ chế khuyến khích các đơn vị tăng nguồn thu sự nghiệp thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
c) Về tổ chức thực hiện
Năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, các trường hoạt động chưa hiệu quả cả về quy mô và chất lượng dẫn đến không tạo được thương hiệu riêng để thu hút người học.
Các trường chưa chủ động khai thác các thế mạnh về cơ sở vật chất, giáo viên của trường để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với đào tạo nhằm tăng cường nguồn thu, thực hiện tiết kiệm chi tiêu, tận dụng tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên của trường.
Ngoài ra, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức về quy mô tuyển sinh thấp do tâm lý người học và gia đình không muốn học nghề, đối tượng học nghề chủ yếu thuộc gia đình có thu nhập thấp (nếu cho phép mức thu học phí cao cũng không thu được), dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp, trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành cao. Mức độ tự chủ tài chính càng cao các trường càng thiệt thòi hơn so với đơn vị khác do không được tiếp tục cấp kinh phí chi thường xuyên trong khi cơ chế đặt hàng chưa rõ ràng nên nguồn lực tài chính giảm.
II. Nội dung cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định hiện hành
1. Tự chủ về hoạt động chuyên môn
Quyền tự chủ về hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 24/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các Thông tư số 14/2021/TT-BLĐTBXH, 15/2021/TT-BLĐTBXH ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về điều lệ trường trung cấp, cao đẳng và các Nghị định, Thông tư, công văn hướng dẫn có liên quan. Một số nội dung cụ thể như sau:
1.1. Về đăng ký hoạt động và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tuyển sinh
Thực hiện chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm đối với việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm đối với các trường hợp sau:
- Linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo trong cùng nhóm ngành, nghề mã cấp III.
- Linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các nghề trình độ sơ cấp trong cùng một nhóm ngành nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.
- Linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các nghề trình độ sơ cấp trong cùng nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp
1.2. Về chương trình đào tạo
Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
1.3. Về tổ chức và quản lý đào tạo
Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở nhưng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng theo quy định đối với từng chương trình đào tạo.
1.4. Về tổ chức bộ máy
Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy theo quy định chung tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các Thông tư số 14/2021/TT-BLĐTBXH, 15/2021/TT-BLĐTBXH ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về điều lệ trường trung cấp, cao đẳng và các Nghị định, Thông tư, công văn hướng dẫn có liên quan
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc và trực thuộc; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các đơn vị có quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp
1.5. Về nhân sự
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ đối với nhân sự theo quy định chung tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các Thông tư số 14/2021/TT-BLĐTBXH, 15/2021/TT-BLĐTBXH ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về điều lệ trường trung cấp, cao đẳng và các Nghị định, Thông tư, công văn hướng dẫn có liên quan.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo, viên chức, tuyển dụng, ký và chấm dứt hợp đồng làm việc, biệt phái viên chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng viên chức, nhà giáo; giải quyết thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức, nhà giáo theo phân cấp. Bố trí, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, nhà giáo; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức, nhà giáo theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định; ký kết hợp đồng vụ, việc đối với viên chức, nhà giáo đã nghỉ hưu.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, người lao động theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo quy định; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp; quyết định cử viên chức, nhà giáo tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khảo sát và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài theo phân cấp.
1.6. Về tài chính
Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ban hành có nhiều đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là những quy định mới, chi tiết hơn về phân loại mức tự chủ tài chính; nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính; tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập… Đặc biệt, Nghị định đã quy định lộ trình chuyển đổi đơn vị tự chủ từ đó thực hiện việc giảm chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập, khuyến khích các đơn vị tăng mức độ tự chủ tài chính thông qua tăng cường khai thác các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp công bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết. Nghị định cũng dành riêng một mục để quy định về cơ chế tự chủ về tài chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định về nguồn tài chính, sử dụng nguồn tài chính, và phân phối kết quả tài chính trong năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được chia làm 4 nhóm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3); Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4). Một số nội dung đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nói riêng được tự chủ quyết định như:
Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương: Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có)
Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường, khả năng tài chính, đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 được quyết định mức chi cụ thể tương xứng với nhiệm vụ được giao và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý
+ Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị và khả năng tài chính, đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước; Đơn vị nhóm 3 tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên được quyết định mức chi cao hơn (trong trường hợp đơn vị chi từ nguồn thu sự nghiệp, không phải nguồn ngân sách nhà nước) hoặc bằng hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước.
+ Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
+ Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị nhóm 4 được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
+ Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
+ Đơn vị nhóm 3, nhóm 4 mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; định kỳ nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý theo quy định.
+ Đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 - (chỉ với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên từ 70% trở lên) có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa làm cơ sở vật chất hiện có; mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật.
Đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí và công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.
Song song với đó, nhằm đẩy mạnh đổi mới phương thức cấp ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, không cắt giảm mà dần chuyển từ cấp kinh phí chi thường xuyên theo biên chế sang đặt hàng, giao nhiệm vụ dựa trên số lượng và chất lượng dịch vụ đào tạo, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang từng bước hoàn thiện các điều kiện để thực hiện đặt hàng, đấu thầu đào tạo như: hướng dẫn và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo giáo dục nghề nghiệp; xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...
III. Xây dựng phương án tự chủ
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 60 thì đơn vị sự nghiệp công nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nói riêng xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị như đã nêu ở trên.
Nội dung của phương án tự chủ gồm 2 phần chính bao gồm: Đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ tài chính của giai đoạn trước và báo cáo phương án tự chủ tài chính giai đoạn tiếp theo.
1. Đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ tài chính của giai đoạn trước
a) Về nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và nhân sự: Cần nêu rõ nhiệm vụ chức năng; tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; số lượng cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng.
b) Về nhiệm vụ chuyên môn: Cần kê chi tiết các nhiệm vụ được giao; nhiệm vụ giao cho các đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ đơn vị tự thực hiện.
Tình hình thực hiện nhiệm vụ, khối lượng công việc hoàn thành, chất lượng các công việc đã hoàn thành: Chi tiết từng nhiệm vụ.
c) Tình hình chấp hành chính sách chế độ và các quy định về tài chính của Nhà nước.
- Về mức thu sự nghiệp: Các khoản phí, lệ phí thu theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền; các khoản thu do đơn vị tự quyết định: nêu cụ thể; thực hiện chính sách miễn giảm theo quy định: nêu cụ thể.
- Tình hình chấp hành các chế độ tài chính; quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; quy định khác (nếu có).
d) Báo cáo về thực hiện các chỉ tiêu tài chính thu, chi giai đoạn tự chủ.
- Kinh phí ngân sách nhà nước giao chi thường xuyên: Dự toán giao; số thực hiện; số kinh phí tiết kiệm được.
- Thu, chi hoạt động dịch vụ: số thu; số chi; chênh lệch thu, chi.
- Số phí theo pháp luật về phí và lệ phí được để lại chi theo quy định: số được để lại chi; số thực hiện; số tiết kiệm được.
e) Phân phối chênh lệch thu chi thường xuyên, trong đó:
- Trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
- Trích lập quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ khác (nếu có).
g) Thu nhập tăng thêm của người lao động.
h) Những khó khăn, tồn tại, kiến nghị.
2. Báo cáo phương án tự chủ tài chính giai đoạn tiếp theo.
a) Về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng
b) Về dự kiến nhiệm vụ được giao, kê chi tiết từng nhiệm vụ; nhiệm vụ giao cho các đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ đơn vị tự thực hiện.
c) Về dự toán thu, chi:
- Dự toán thu, chi thường xuyên: Về mức thu sự nghiệp, thu dịch vụ; Về nguồn thu để chi thường xuyên; Chi thường xuyên; Dự kiến chênh lệch thu, chi thường xuyên (nếu có).
- Dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên
d) Xác định mức độ tự chủ tài chính
Công thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên
Trong đó: A bao gồm:
- Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định.
- Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
- Nguồn thu hoạt động sự nghiệp (Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước của các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định; thu từ cho thuê tài sản công.
- Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
B gồm các khoảng chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị, không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đề xuất, cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến.
Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.
2. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:
a) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;
b) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;
c) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định 60; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 (năm) năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, trừ trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh) hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật dẫn đến biến động nguồn thu của đơn vị và làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.
Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để triển khai việc giao đất đai, tài sản công theo quy định của pháp luật liên quan.
4. Cơ quan quản lý cấp trên thực hiện sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập./.